Tham gia đoàn công tác của Ủy ban có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Công nghiệp, Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ, Văn phòng và Trung tâm Thông tin.
Duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh
Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh trong 8 tháng đầu năm, ông Hồ Lê Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinataba cho hay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, chủ động, quyết tâm của Ban lãnh đạo cùng tập thể cán bộ công nhân viên, kết quả sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty cơ bản giữ ổn định.
Tiêu biểu, về tình hình hoạt động của Công ty Thuốc lá Thăng Long tại địa điểm mới ở Khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội cho thấy, sản lượng thuốc lá điếu tiêu thụ 8 tháng 2020 đạt 974 triệu bao, bằng 68% kế hoạch và tăng hơn 1% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó: Sản lượng nội tiêu thụ đạt 647 triệu bao, bằng 67% kế hoạch vàng tăng xấp xỉ 5% cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng xuất khẩu đạt 327 triệu bao, bằng 68% kế hoạch và bằng 95% cùng kỳ năm 2019 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các thị trường xuất khẩu, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác xuất khẩu của công ty. Tổng doanh thu đạt 3.596 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch và tăng 3% cùng kỳ năm ngoái.
Để có thể tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020, Vinataba đề nghị Ủy ban xem xét sớm phê duyệt một số nội dung gồm: Bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty đến năm 2020; xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ của Tổng công ty tại Công ty TNHH Liên doanh VINA-BAT; tiếp tục hỗ trợ triển khai tiếp các dự án thành phần còn lại trong Chương trình tổng thể đầu tư di dời Công ty Thuốc lá Sài Gòn; sớm phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư Chương trình tổng thể đầu tư di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long…
Khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025
Đề cập tới Đề án tái cơ cấu của Vinataba, ông Phạm Văn Sơn – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp (Ủy ban) đề nghị, Tổng công ty cần tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 166/QĐ-TTg, Công văn 663/TTg-ĐMDN, Công văn 601/TTg-ĐMDN trong thời gian qua; phân tích, đánh giá rõ các nội dung đã làm được, chưa làm được. Đồng thời, bám sát Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII; Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội; Nghị quyết số 97/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW…, để làm căn cứ xây dựng Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 – 2025.
Lãnh đạo Vụ Công nghiệp cũng gợi mở, Đề án tái cơ cấu Vinataba cần thể hiện được một số mục tiêu, định hướng trong giai đoạn 2021-2025, như: Củng cố, phát triển Vinataba thành Tổng công ty nhà nước dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá, có vai trò chủ đạo đối với ngành, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế; xác định rõ quy mô và phạm vi hoạt động phù hợp với năng lực quản trị, điều hành; cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng của các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư, vốn và tài sản để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp.
Về Kế hoạch đầu tư phát triển trong năm 2020 của Vinataba, ông Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) đồng tình với phương án doanh nghiệp không cần điều chỉnh lại bởi trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, khả năng không có căn cứ chắc chắn để điều chỉnh chỉ tiêu là tương đối cao. Thêm vào đó, theo quy định của pháp luật, dịch bệnh cũng được coi là yếu tố bất khả kháng, nguyên nhân khách quan trong đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp.
Bà Vũ Thị Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Kiểm soát nội bộ (Ủy ban) chia sẻ những khó khăn của Vinataba, đồng thời, khẳng định, Vụ sẽ tích cực phối hợp cùng Vinataba tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới cơ chế chính sách và quy định của pháp luật, phù hợp với mục tiêu phát triển của Tổng công ty, dung hòa quan điểm, cách tiếp cận của Ủy ban và các Bộ, ngành liên quan.
Về những nội dung liên quan đến công tác tổ chức cán bộ và quyền lợi của người lao động, ông Nguyễn Cảnh Toàn – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Ủy ban) nhận định, trong công tác kiện toàn nhân sự vị trí Tổng giám đốc, thời gian qua, Vụ đã phối hợp hiệu quả với Vinataba. Vụ Tổ chức cán bộ sẽ trình phương án thích hợp lên Ban cán sự và lãnh đạo Ủy ban xem xét trong thời gian tới. Công tác tiền lương của cán bộ, người lao động Vinataba hiện đã trình lên cấp có thẩm quyền và đang chờ lấy ý kiến của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Về vị trí kiểm soát viên tại Tổng công ty, Vụ đã hoàn thiện phương án nhân sự và đang xin ý kiến của Hội đồng thành viên Vinataba.
Liên quan tới công tác ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và kết nối với trục liên thông điện tử của Ủy ban, ông Trần Công Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin đánh giá, tuy Vinataba không có bộ phận chuyên trách về công nghệ thông tin, nhưng Tổng công ty đã triển khai thực hiện công tác này rất tích cực. Hiện tại, trên phương diện kỹ thuật, quá trình kết nối với trục liên thông điện tử của Ủy ban đã hoàn tất và chính thức hoạt động kể từ ngày 15/9/2020. Các kết nối khác, bao gồm Bộ phần mềm chỉ số, hội nghị trực tuyến được Vinataba triển khai chủ động, phối hợp hiệu quả với Trung tâm Thông tin.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng công ty về tình hình sản xuất, kinh doanh và những đề xuất, kiến nghị; ý kiến của các vụ, đơn vị thuộc Ủy ban, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ lãnh đạo và người lao động của Vinataba trong thời gian qua đã hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2020, Vinataba đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid -19, vừa thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tổng công ty cần khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, trong đó Đề án cần thể hiện được mục tiêu, định hướng của Vinataba, cụ thể: Củng cố, phát triển Vinataba thành Tổng công ty Nhà nước dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thuốc lá, có vai trò chủ đạo đối với ngành, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế; xác định rõ quy mô và phạm vi hoạt động phù hợp với năng lực quản trị, điều hành; cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả…
Đối với Chương trình tổng thể đầu tư, di dời Công ty Thuốc lá Thăng Long và Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Vinataba cần báo cáo Bộ Công Thương về việc xử lý vướng mắc đối với một số dự án đầu tư của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu để kịp thời xử lý những tồn tại, khó khăn, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các nội dung Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Tổng công ty cũng cần phối hợp với các đơn vị thuộc Ủy ban khẩn trương hoàn thiện và trình lãnh đạo Ủy ban văn bản gửi Bộ Tài chính thẩm định phương án tăng vốn điều lệ của Vinataba đến năm 2020. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Vinataba khẩn trương hoàn thiện và trình lãnh đạo Ủy ban về chủ trương tăng vốn góp vào Công ty TNHH liên doanh VINA- BAT.
Về phía các đơn vị thuộc Ủy ban, tiếp tục chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết những đề xuất, kiến nghị của Vinataba trình lãnh đạo Ủy ban xem xét quyết định trên tinh thần hỗ trợ tối đa để Vinataba hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ khác.
Trích nguồn https://www.vinataba.com.vn/2020/09/14/vinataba-tiep-tuc-giu-vi-tri-dan-dau-trong-linh-vuc-san-xuat-kinh-doanh-thuoc-la/